Khu Phố Cổ Hội An nằm ở trung tâm thành phố Hội An, Phố cổ Hội An là một đô thị cổ được bảo tồn tốt nhất tại Việt Nam, với rất nhiều căn nhà cổ, công trình cổ,… có độ tuổi hàng trăm năm vẫn còn nguyên vẹn về kiến trúc cũng như công năng sử dụng.
Phố Cổ Hội An – một di sản kiến trúc toàn vẹn
Ngày nay thành phố Hội An đã được mở rộng và vẫn có nhiều công trình hiện đại, nhưng khu vực Phố Cổ Hội An vẫn được bảo toàn và gìn giữ nguyên vẹn nét cổ xưa, khu vực phố cổ vẫn là trung tâm thu hút khách du lịch lớn nhất của cả thành phố Hội An
Trước đây Phố cổ Hội An được khách du lịch trên thế giới biết đến dưới nhiều tên gọi khác nhau, phổ biến nhất là: Faifo, Haisfo, Hoài phố, Ketchem, Cotam…
Tìm hiểu vẻ đẹp của phố cổ Hội An chính là sự tìm về những kinh nghiệm xây dựng thiết kế nhà, quy hoạch đô thị của người xưa.
Vẻ đẹp của phố Cổ Hội An còn nằm trong từng góc phố nhỏ, từ từng viên ngói, mảng tường, ngõ hẻm …đòi hỏi bạn phải có sự kiên nhẫn để tìm hiểu và cảm nhận hết được.
Đường phố ở phố Cổ Hội An có nét xinh xắn riêng biệt, vừa yên bình vừa cổ kính. Những cửa hiệu buôn bán, những ô cửa sổ, những ban công đều tạo cho khách du lịch một cảm xúc về quá khứ xa xưa.
Tháng 12/1999, phố cổ Hội An được xếp hạng di sản văn hoá thế giới đã càng làm tăng sự quan tâm chú ý của khách du lịch trong và ngoài nước. Thật sự hiếm có một đô thị cổ được giữ gìn toàn vẹn những ngôi nhà, dãy phố đã có độ tuổi hàng trăm năm như ở phố cổ Hội An, trong khu vực phố cổ có khá nhiểu hội quán cổ xưa như: hội quán Triều Châu, hội quán Quảng Đông, hội quán Phúc Kiến, hội quán Hải Nam, hội quán Triều Châu.
Hội quán Triều Châu với những nét kiến trúc đặc trưng cổ xưa
Theo tài liệu thống kê, đến nay Hội An có 1.360 di tích, danh thắng. Riêng các di tích được phân thành 11 loại, gồm: 1.068 nhà cổ, 19 chùa, 43 miếu thờ thần linh, 23 đình, 38 nhà thờ tộc, 5 hội quán, 11 giếng nước cổ, 1 cầu, 44 ngôi mộ cổ. Trong khu vực đô thị cổ có hơn 1.100 di tích.
Chùa Cầu – biểu tượng của kiến trúc cổ Hội An
Chùa Cầu Hội An, đây là một cây cầu cổ có kiến trúc độc đáo đã trở thành một biểu tượng của Hội An. Cây cầu này có lòng rộng 3m, dài 20m, các trụ được xây bằng đá. Mái chùa lợp ngói âm dương che kín cả cây cầu. Chùa và cầu đều bằng gỗ sơn son chạm trổ rất công phu, mặt chùa quay về phía bờ sông. Hai đầu cầu có tượng thú bằng gỗ đứng chầu, một đầu là tượng chó, một đầu là tượng khỉ (có lẽ được xuất phát từ nghĩa cây cầu xây từ năm Thân, xong năm Tuất).
Di sản kiến trúc của Phố cổ Hội An đáng chú ý nhất chính là nhà ống. Đây là một dạng kiến trúc nhà độc đáo, có chiều ngang hẹp, sâu vào trong, có khi nối liền hai tuyến phố trước và sau. Những căn nhà cổ có giá trị nhất hiện nay ở Hội An như: Nhà Cổ Tấn Ký, nhà cổ Phùng Hưng, nhà cổ 48 Trần Phú, nhà cổ Quân Thắng đang được gìn giữ bảo vệ …trở thành điểm thu hút đông đảo khách du lịch.
Giá trị văn hóa độc đáo của phố cổ Hội An
Ngoài những giá trị văn hoá qua kiến trúc đa dạng, Hội An còn lưu giữ một nền tảng văn hoá phi vật thể khá đồ sộ. Cuộc sống thường nhật của người dân Hội An với những phong tục tập quán, sinh hoạt tín ngưỡng, nghệ thuật dân gian, lễ hội văn hoá đang được bảo tồn và phát huy cùng với cảnh quan thiên nhiên thơ mộng, các làng nghề truyền thống, các món ăn đặc sản Hội An… làm cho Hội An ngày càng trở thành điểm đến hấp dẫn của khách du lịch thập phương.
Tháng 12 năm 1999, UNESCO đã công nhận khu phố cổ Hội An là di sản văn hoá thế giới. Điều này giúp cho du lịch Hội An ngày càng phát triển mạnh mẽ hơn
Tổng hợp: Yêu Hội An