Nhắc đến nghề mộc ở Hội An người ta không thể không nhắc đến làng mộc Kim Bồng. Làng mộc Kim Bồng nằm ở xã Cẩm Kim đối diện khu phố cổ Hội An, bên kia bờ con sông Hoài. Nghệ nhân làng mộc Kim Bồng từng tự hào với việc cha ông họ đã được vua chúa nhà Nguyễn mời ra kinh đô xây dựng và tôn tạo các công trình thành quách, lăng tẩm.
Nghề mộc Kim Bồng được hình thành từ thế kỷ 15 bởi những người Việt đầu tiên ở đồng bằng Bắc Bộ và vùng Thanh – Nghệ – Tĩnh vào khai khẩn vùng đất Cẩm Kim – Hội An thời bấy giờ. Cuối thế kỷ 16, đầu thế kỷ 17 nghề mộc Kim Bồng bắt đầu phát triển nhờ sự phồn thịnh của thương cảng Hội An. Đến thế kỷ 18, nghề mộc Kim Bồng đã phát triển mạnh mẽ và thịnh đạt thành làng nghề với ba nhóm nghề rõ rệt: nghề mộc xây dựng các công trình kiến trúc đô thị, nghề mộc dân dụng và nghề đóng tàu thuyền mộc.
Ngày nay, dấu ấn mộc Kim Bồng còn thể hiện rõ nét trên các ngôi nhà cổ, ngôi chùa, hội quán, nhà thờ tộc ở Hội An với những đường nét chạm trổ tinh vi, đẹp mắt. Cũng như ngày xưa, mộc Kim Bồng chuyên về xây dựng nhà cửa và đóng tàu. Cùng với sự phát triển du lịch, một bộ phận nghệ nhân mộc Kim Bồng chuyển sang làm mộc mỹ nghệ để phục vụ khách du lịch. Đó là các loại tượng gỗ và đồ dùng phục vụ trong sinh hoạt hằng ngày.
Gỗ để làm tượng trước tiên phải được phơi khô để tránh cho tượng bị nứt nẻ sau này. Sau đó gỗ sẽ được cưa theo hình dáng và kích thước tương ứng với sản phẩm cần làm. Đối với loại tượng có kích thước lớn thì người thợ ghép nhiều khúc gỗ lại với nhau đó là dùng bột gỗ để trít các khe hở. Tiếp theo là giai đoạn tạo dáng. Người thợ dùng đục đẽo để tạo dáng tổng quát của tượng sau đó sẽ đi dần vào các chi tiết như tay chân, mắt, mũi, miệng… Cuối cùng là giai đoạn đánh bóng tượng. Tượng sau khi được đánh bóng trông sẽ đẹp mắt hơn nhờ vào mặt gỗ nhẵn thín sạch sẽ, nổi rõ từng vân gỗ.
Một sản phẩm của làng mộc Kim Bồng
Các nhân vật được tạc tượng thường là một nhân vật thuộc tín ngưỡng dân gian như : Quan công, Phúc Lộc Thọ, Đạt ma sư tổ, Thập bán la hán, Bồ tác Di lặc…
Làng mộc Kim Bồng – một thời bị lãng quên
Sau khi chiến tranh kết thúc, làng mộc Kim Bồng cũng có xu thế kết thúc theo, những người thợ Kim Bồng tản cư đi khắp nơi, họ làm đủ mọi nghề để kiếm sống. Trong họ, niềm say mê với gỗ, với búa, đục… vẫn còn, nhưng nó không duy trì được cuộc sống của họ, nghề mộc dần đi vào lãng quên và chỉ còn trong ký ức. Mộc Kim Bồng một thời vang bóng đã lặng chìm vào giấc ngủ sâu.
Ông Đỗ Đình Phô – Phó Trưởng phòng Kinh tế thị xã Hội An, cho biết: “Sau chiến tranh, mộc Kim Bồng gần như bị mai một hoàn toàn. Lúc đó, ở Cẩm Kim còn rất ít người đi theo nghề mộc, tiêu biểu lúc này chỉ còn ông Huỳnh Ri. Vậy mà ông Huỳnh Ri cũng đã duy trì được làng nghề cho đến ngày nay”.
Ngày nay, khi nói đến mộc Kim Bồng, người ta nhắc ngay đến ông Huỳnh Ri và cơ sở sản xuất của ông. Huỳnh Ri là truyền nhân đời thứ 12 của mộc Kim Bồng, và cũng chính ông là người cuối cùng còn lưu giữ lại vốn nghề truyền thống của làng Kim Bồng sau khi chiến tranh kết thúc.
Ông nói: “Tôi nghĩ rằng tôi phải có trách nhiệm giữ gìn, nối nghiệp ông cha đã để lại. Lúc đó, tôi gặp rất nhiều khó khăn, chủ yếu vẫn là kinh tế, rứa mà đến chừ thì tôi cũng đã có xưởng riêng, có nguồn nhân công đầy đủ, và cũng đã có những đơn đặt hàng ở nước ngoài.
Dù đầu ra cho sản phẩm của tôi chưa cố định nhưng vẫn đã sáng sủa hơn so với mười mấy năm về trước. Tôi mong rằng nhà nước sẽ tiếp tục đầu tư, quan tâm hơn nữa, đặc biệt là giúp chúng tôi tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm để mộc Kim Bồng ngày càng phát triển”.
Làng mộc Kim Bồn – Cơ hội phát triển mới
Năm 1996, UBND thị xã Hội An đưa ra kế hoạch khôi phục lại những làng nghề truyền thống ở đây, trong đó có mộc Kim Bồng. Trong năm 1996, thị xã kết hợp với trung tâm dạy nghề Quảng Nam mở lớp dạy nghề mộc tại xã Cẩm Kim do ông Huỳnh Ri phụ trách.
Đến nay, tại Cẩm Kim đang chuẩn bị kết thúc khóa học thứ III. Đến năm 2003, khi Chính phủ có mục tiêu chung cho việc khôi phục và phát triển các làng nghề truyền thống thì những kế hoạch khôi phục của thị xã đi vào thực tiễn. Tổng số vốn đầu tư vào việc khôi phục và phát triển mộc Kim Bồng là 9,3 tỉ đồng, trong đó của nhà nước là 5 tỉ đồng, còn lại là do nhân dân tại đây đóng góp.
Đầu năm 2005, UBND tỉnh Quảng Nam đề nghị lên chính phủ cấp chứng nhận nghệ nhân nhân dân cho ông Huỳnh Ri và nghệ nhân ưu tú cho ông Huỳnh Sử. Năm 2006, UBND thị xã Hội An cũng đã tổ chức đăng ký lại thương hiệu cho mộc Kim Bồng đó là “Mộc Kim Bồng – Hội An”.
Đồng thời, UBND Thị xã Hội An cũng kết hợp với các trung tâm lữ hành tổ chức các tour du lịch đến Cẩm Kim để mang khách đến với Kim Bồng. Hiện nay, lượng khách đến Cẩm Kim chiếm khoảng 7% – 8% lượng khách đến Hội An. Đây là cơ hội để Kim Bồng phát triển.
Tuy nhiên, việc tìm đầu ra cho những sản phẩm mộc Kim Bồng vẫn đang gặp nhiều khó khăn, sản phẩm làm ra chủ yếu phục vụ cho nhu cầu du lịch. Các sản phẩm điêu khắc chạm trổ hay mộc gia dụng chủ yếu vẫn chỉ bán được dựa trên các đơn đặt hàng của khách du lịch.
Trong khi đó, ông Đỗ Đình Phô – Phó Trưởng phòng Kinh tế thị xã Hội An, thì cho rằng: “Chúng tôi đã có nhiều kế hoạch đầu tư cho mộc Kim Bồng, việc định hướng cho mộc Kim Bồng cũng đã được chúng tôi làm tốt, việc thực thi nó như thế nào là việc của người dân, chúng tôi không thể cầm tay chỉ việc được, do đó việc tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm vẫn là việc của họ”.
Xem thêm: