Nguồn góc và sự phát triển của Mặt nạ Hội An: Đặng Việt Triều (hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam, hội viên Hội Mỹ thuật TP.Hồ Chí Minh) có cơ hội rong ruổi rất nhiều ngả đường, đã từng mấy mươi năm gắn bó Tây Nguyên, mười mấy năm chung chiêng với Sài Gòn, khi định hình sự sáng tạo, Triều lại chọn Hội An, như một cơ duyên.
Mặt người trong nghệ thuật của Triều giống như một sự “sắp xếp ngăn nắp” của nhiều loại ký ức, nhiều cá tính ít khi được thể hiện. Đó cũng chính là gương mặt của nghệ sĩ trong nhiều khoảnh khắc, là nơi “có thể tìm thấy điều gì đó cho riêng mình”.
Gương mặt u tối, đen đúa, dữ tợn, gương mặt của kẻ khó ai tin là lương thiện. Gương mặt chất chứa nụ cười gằn tàn nhẫn. Gương mặt liên tưởng đến cái dáng gân guốc, cộc cằn, bụi bặm và lầm lũi. Cũng có những khuôn hình đắp vẽ bằng sự thờ ơ, với cái lơ láo, ngơ ngác và há hốc, cô đơn và sợ hãi…
Những chiếc mặt nạ bằng đất sét tô với màu acrylic, sơn dầu, bột gỗ. Những “gương mặt” thờ ơ, như thể để ném ra những ánh nhìn gay gắt và thách thức. Rất nhiều khuôn mặt đàn ông như thế. “Trong nỗi nhớ khôn nguôi về Tây Nguyên, trong nỗi sợ hãi về những hệ lụy khi bị cuốn theo cuộc sống hiện đại, và bằng sự suy diễn từ những mặt nạ tuồng, tôi đã đắp vẽ chúng. Đấy là những mặt nạ tuồng đời của tôi, của quãng thời gian đã qua…” – Triều nói, như độc thoại.
Những khuôn mặt phụ nữ của Triều lại đầy cam chịu, buồn lặng. Sự thánh thiện và suy tư nằm kề nhau. “Tranh trong mặt nạ” của Triều chính là những xúc cảm được anh thể hiện đầy đủ trên từng khuôn hình. Nó tạo nên sức ám ảnh cho người xem.
Như Alexandro, người Ý, nhận xét: “Tôi thích những mặt nạ này và sự liên đới với chủ nghĩa tượng trưng”.
Hay như Meagan Babore, người Úc: “Những chiếc mặt nạ này thật ấn tượng, nó tuyệt hơn nhiều những thứ long trọng ồn ào nhưng chán ngắt”.
Cũng nhiều người so sánh mặt nạ của Triều và nghệ thuật mặt nạ của châu Âu, Phi. Dĩ nhiên, họ là nguồn khích lệ lớn đối với Triều, bởi như anh nói: “Tâm linh người Việt thường ít chấp nhận những khuôn hình mặt nạ méo mó. Với không gian và cảm quan người xem chiếm tỷ lệ đông như vậy thì hơi “chật” để sáng tạo nhưng lại rộng mở khi sáng tạo chuyên nghiệp”.
Nghệ thuật đắp vẽ mặt nạ của Đặng Việt Triều là một thứ “hàng độc” giữa các tác phẩm nghệ thuật trên khắp đất nước. Mượn tuồng làm sinh lực, Triều tìm đường sáng tạo từ một nghệ thuật ngỡ là “phế tích”. Đó cũng là một phần lý do anh chọn miền Trung làm điểm tựa cho sự phá cách lần này. Với Đặng Việt Triều, nghệ thuật tuồng và tượng nhà mồ Tây Nguyên đều là hai loại hình biểu lộ cao nhất của tính tượng trưng – điều cần thiết trong sáng tạo nghệ thuật. Nét chạm khắc thô mộc, sắc màu hồn nhiên, hoang dã, bản năng của tượng nhà mồ Tây Nguyên cùng sự thâm sâu, tinh tế của tuồng tạo nên sự ám ảnh trong tâm hồn nghệ sĩ. Anh miệt mài đi tìm sự giao thoa và thể hiện nó. Mỗi chiếc mặt nạ ra đời là một sự mê hoặc của Triều. Bởi không hề có những nét phác họa trước, không hề tính toán, cân đo chi li tỷ lệ hay phối màu, như một sự ngẫu nhiên. Từ đó tạo nên sức ám ảnh đối với người xem…
Với hội họa, Đặng Việt Triều là một “tay ngang”, vì đam mê mà vận cái nghiệp vào mình. Những lần gặp gỡ, xem tranh các họa sĩ như Trần Văn Cẩn, Bùi Xuân Phái, Huỳnh Văn Thuận, Trần Trung Tín… đã thôi thúc anh tiếp tục vẽ. Vẽ để chắp vá những mảnh ký ức đã vỡ, để bắt nguồn cho đam mê và để tâm hồn không chai sạn. Chọn cách thể hiện “mặt nạ trong tranh”, hay “tranh trong mặt nạ”, Đặng Việt Triều mở ra con đường của riêng mình.
Mặt nạ tại Hội An
Đến Hội An lần đầu tiên cách đây 10 năm, Đặng Việt Triều đã bị phố cổ chinh phục. Từ những mảng tường rêu phong, đôi quang gánh dọc dài trên các hẻm nhỏ, từ những con người biết nói cảm ơn và xin lỗi khi Hội An còn là một “nàng công chúa ngủ quên”… đã làm nên một ấn tượng đặc biệt trong lòng nghệ sĩ. Và cũng tại Hội An, anh gặp những người bạn tri kỷ. Đó là Trung Yên, con gái học giả tuồng Hoàng Châu Ký, là đạo diễn phim tài liệu Đoàn Huy Giao… Họ đã tạo mọi điều kiện để tác phẩm của anh ra mắt người Hội An và du khách.
Vậy thì sao Triều “mặt nạ” lại buồn? Anh gọi đó là nỗi buồn nghệ sĩ. “Mình vẫn chưa chinh phục được người Hội An, chưa thật sự trở thành một gương mặt thân thuộc của người dân ở đây, trong khi người Hội An đã chinh phục mình từ lâu lắm rồi. Nên tác phẩm của mình, cũng chỉ là một thứ hàng lưu niệm ở đây thôi. Nó chưa thực sự là hồn của người phố cổ…”. Có lẽ vậy nên dự định sắp tới của Triều là đi hết những vùng đất Quảng để vẽ lại những gương mặt “mộc”, thâm nhập để mặt nạ thêm phần thăng hoa. “Mỗi vệt bút trong tranh phải tạo một sự suy nghĩ, múa bút hay vẽ chỉ để biểu diễn, không phải rút ra từ nội tâm của chính mình thì khó để tác phẩm nghệ thuật tồn tại trường cửu” – Đặng Việt Triều tâm sự. Phải chăng vì vậy mà người đến thưởng lãm mặt nạ của Triều tại nhà số 320 Nguyễn Duy Hiệu, Hội An lại cứ đau đáu, cứ day dứt khi bắt gặp chính mình trong những khoảnh khắc đã qua. Chừng như con đường nghệ thuật mà Đặng Việt Triều đang đi không chỉ là một cuộc rong chơi…
“Đôi khi trong giấc mơ nào đó, tôi nhìn thấy tôi nhưng đó lại không phải là chính mình. Thảng hoặc tan buổi rượu, tôi nhìn thấy bạn nhưng lại không phải là bạn… Từ sâu thẳm đáy nước đêm xa nào đó, trăng đã vỡ tan muôn mảnh. Từ sâu thẳm trong tôi, đêm xa ấy, cũng vỡ ra muôn vạn mặt người của tôi, của bạn, của em, của người… từng người…”. Đôi lời của Triều, nói với chính mình, nói về tác phẩm của mình, nhưng cũng chính là nói tới “muôn vạn mặt người”.
Nguồn: Tham Khảo
Tổng hợp: Yêu Hội An